+ 84 (0) 932 714 468  |   Agrivivietnam@gmail.com

Blog Post

25 năm hành trình VASEP – khát vọng và mục tiêu phát triển bền vững

25 năm hành trình VASEP – khát vọng và mục tiêu phát triển bền vững

25 năm hành trình VASEP – khát vọng và mục tiêu phát triển bền vững

Sáng ngày 12/6/2023, tại Tp Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổ chức Hội nghị toàn thể hội viên 2023 và kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Hiệp hội với sự tham gia của hơn 280 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hội viên VASEP. Hội nghị có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, Chủ tịch Danh dự VASEP – Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, và đại diện các bộ, ban ngành có liên quan.

Theo báo cáo của VASEP, từ những ngày đầu khai phá thị trường với con số 19 nhà máy được cấp mã EU code, VASEP đã đồng hành cùng các doanh nghiệp hội viên và toàn ngành đạt được những cột mốc đáng nhớ. Đó là, đưa doanh số xuất khẩu tăng dần từ mốc 800 triệu USD năm 1998 lên 4,5 tỷ USD sau 10 năm (2008) và lên gần 9 tỷ USD sau 20 năm (2018), cán mốc 11 tỷ USD vào năm 2022. Đến nay, trong số 847 nhà máy chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, đã có 692 nhà máy được cấp mã xuất khẩu EU code.

Một phần cơ bản làm nên thành tích đó là sự tích cực mở rộng thị trường bằng những chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ quốc tế và trong nước hàng năm. Đặc biệt, VASEP và các doanh nghiệp đã và đang cùng nhau vượt qua các rào cản thương mại quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao vị thế thủy sản Việt Nam.

Những dấu ấn trên thương trường thủy sản quốc tế và của ngành thủy sản Việt Nam phải kể đến vụ kiện chống bán phá giá (cá tra, tôm) tại Mỹ, sự phối hợp vững vàng, tính chuyên nghiệp của VASEP và các doanh nghiệp mang lại kết quả là đến nay chúng ta vẫn duy trì được vị trí ngành hàng tôm và cá tra trên thị trường lớn nhất thế giới này và giữ được thuế quan thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp.

Từ cuối năm 2022, Hiệp hội và các doanh nghiệp đã xác định ngành thủy sản sẽ có một năm 2023 cực kỳ khó khăn khi tình hình lạm phát thế giới ngày một trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều, XK thủy sản khó có thể tăng trưởng trở lại trong thời gian ngắn.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, XK thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỷ USD tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 – 50% tại tất cả các thị XK chính, trong đó thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt nam đều giảm 2 con số, cụ thể tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc mặc dù kéo dài hơn 1 năm, khủng hoảng khí hậu diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, tình hình lạm phát tăng cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế thế giới trong thời gian tới và gây ra nhiều rủi ro cho chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động về giá lương thực – thực phẩm.

Nhiều dự báo cho rằng nhu cầu thủy sản của các thị trường có thể sẽ còn tiếp tục giảm trong quý 3/2023 thay vì phục hồi từ Quý III như những dự báo trước đây.

Từ thực tế trên, Hội nghị toàn thể hội viên VASEP năm 2023 được tổ chức nhằm xác định những vấn đề chiến lược ưu tiên trong hoạt động của Hiệp Hội trong thời gian tới cũng như cùng nhau thảo luận trao đổi và vạch ra những chương trình, kế hoạch, biện pháp hữu hiệu để giải quyết các vấn đề, vượt qua thách thức và tiếp tục thành công trong tương lai.

Hội nghị toàn thể hội viên năm nay được tổ chức đúng vào ngày thành lập Hiệp Hội, cũng là dịp đánh dấu cột mốc 25 năm xây dựng và phát triển của Hiệp hội. 25 năm không phải thời gian quá dài nhưng mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao, đánh dấu mốc son trưởng thành của Hiệp hội, ngày một khẳng định thêm vị thế của Hiệp hội trong lòng các Doanh nghiệp hội viên và các đối tác trên thị trường quốc tế.

Sự đồng lòng của các thành viên Hiệp hội cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm nên những cột mốc quan trọng cho ngành thủy sản từ doanh số 1 tỷ USD cho đến 11 tỷ USD, đưa ngành thủy sản Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn thứ 3 trên giới và hướng đến mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD.

Ghi nhận và biểu dương các thành tích đã đạt được trong thời gian qua của VASEP và toàn thể hội viên Hiệp hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã tập hợp được cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu Thủy sản, với hơn 1/3 số hội viên là các doanh nghiệp lớn, đi đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản, với vai trò quan trọng trong việc làm cầu nối giữa doanh nghiệp hội viên với các cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhận định về thách thức, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng hiện nay lạm phát trong nước, các chi phí sản xuất và xăng dầu tiếp tục tăng, làm tăng giá thành và giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm thuỷ sản. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ chậm lại, nhiều nhà nhập khẩu huỷ/hoãn nhận hàng khiến chi phí lưu kho và các chi phí hậu cần khác tăng. Doanh nghiệp thiếu vốn để quay vòng sản xuất, thu mua nguyên liệu cho bà con nông ngư dân.

“Cả doanh nghiệp và bà con nông ngư dân đều khó tiếp cận vay vốn trước thực trạng các ngân hàng đóng hết các room tín dụng, không giải ngân. Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành trong thời gian tới, dẫn đến đình trệ sản xuất, thiếu nguyên liệu, thiếu vốn để đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lo lắng.

Trong bối cảnh tràn ngập khó khăn hiện nay, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Hiệp hội VASEP trong thời gian tới đặc biệt quan tâm và phát huy vai trò trong hội tụ, kết nối các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với người nuôi trồng thủy sản và Chính phủ; tập trung thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Đồng thời VASEP cần thông báo kịp thời tới Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc trong quá trình xuất khẩu để có biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục chủ động đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý và tăng trưởng bền vững. VASEP cũng phải tiếp tục vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất.  

Nguồnn: Bộ  Nông  nghiệp  và  Phát  triển  Nông  thôn

Related Posts