FAO: Chỉ số giá lương thực tiếp tục giảm trong tháng 6
Giá tất cả các loại ngũ cốc thiết yếu đều giảm, nhưng giá lương thực trong nước cao đe dọa các nước dễ bị tổn thương.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), chỉ số tiêu chuẩn về giá lương thực thực phẩm trên thị trường quốc tế tiếp tục giảm trong tháng 6/2023, dẫn đầu là giá tất cả các loại ngũ cốc thiết yếu và các loại dầu thực vật đều giảm.
Chỉ số giá lương thực của FAO đạt mức trung bình 122,3 điểm trong tháng 6/2023, giảm 1,4% so với tháng 5/2023 và giảm 23,4% so với mức cao nhất vào tháng 3/2022.
Cụ thể, Chỉ số giá ngũ cốc giảm 2,1% so với tháng trước. Trong đó, giá ngũ cốc thô tháng 6 giảm 3,4%, chủ yếu do nguồn cung ngô dồi dào từ các vụ thu hoạch đang diễn ra ở Achentina và Braxin cùng với triển vọng sản lượng cải thiện tại các vùng sản xuất chính ở Hoa Kỳ. Giá lúa mì giảm 1,3% do vụ thu hoạch bắt đầu ở Bắc bán cầu, nguồn cung dồi dào và thuế xuất khẩu thấp hơn ở Liên bang Nga, bên cạnh các điều kiện gieo trồng tích cực ở Hoa Kỳ. Giá gạo giảm 1,2% trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ảm đạm đối với các loại gạo non-Indica và nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu gạo của Pakistan.
Chỉ số giá dầu thực vật giảm 2,4% so với tháng 5, do giá dầu cọ và dầu hướng dương trên thị trường thế giới thấp hơn bù đắp cho tăng giá dầu đậu nành và dầu hạt cải do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết ở các vùng trồng chính.
Chỉ số giá bơ sữa giảm 0,8% trong tháng 6, dẫn đầu là do giá phô mai giảm bất chấp giá bơ thế giới tăng nhờ nhu cầu tích cực đối với nguồn cung giao ngay, chủ yếu từ Trung Đông.
Chỉ số giá đường giảm 3,2%, đánh dấu lần giảm đầu tiên sau 4 tháng tăng liên tiếp, chủ yếu do vụ thu hoạch mía ở Braxin tiến triển tốt và nhu cầu nhập khẩu toàn cầu, đặc biệt là từ Trung Quốc, chậm lại.
Chỉ số giá thịt gần như không thay đổi trong tháng 6, với giá thịt gia cầm tăng do nhu cầu nhập khẩu cao từ Đông Á trong bối cảnh những thách thức về nguồn cung đang diễn ra liên quan đến dịch cúm gia cầm lan rộng. Giá thịt lợn quốc tế cũng tăng, trong khi giá thịt bò và thịt cừu giảm do khả năng xuất khẩu tăng từ Châu Đại Dương.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn