Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Phải tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị mới nâng cao được giá trị nông sản
Sáng 31/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Họp báo thường kỳ Quý I và nhiệm vụ trọng tâm Quý II năm 2023 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến vui mừng: Với con số 53,53 tỷ USD xuất khẩu NLTS năm 2022, thặng dư nền kinh tế đạt 11,2 tỷ USD, riêng nông sản chiếm 8,76 tỷ USD, chiếm 77,41%. Như vậy, có thể thấy Nghị quyết TW XIII khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia hoàn toàn chính xác và đúng đắn.
“Bộ NN&PTNT xác định năm 2023 rất khó khăn nên việc điều hành thị trường xuất khẩu phải rất linh hoạt. Tăng trưởng ngành nông nghiệp 3 tháng đầu năm đạt 2,52% là một dấu hiệu tích cực, so với cả năm 2022 đạt 2,4%. Hiệu quả của người trồng lúa ở ĐBSCL đã được khẳng định. Giải ngân đầu tư công cao hơn toàn quốc cho thấy kết quả tập trung hơn vào đầu tư hạ tầng, hệ thống logistics nông nghiệp vốn đang yếu, đây là yếu tố quan trọng để đưa sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả, quy mô hàng hóa cao, đáp ứng được nhiều thị trường”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Nhìn chung, quý I tổ chức sản xuất vẫn tăng trưởng đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Xuất khẩu từ tháng 1 sang tháng 2 đã có chuyển biến, tăng 5,7% và 2 tháng đầu năm là 6,28 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm, theo nhận định của các hiệp hội ngành hàng cuối tháng 12 là thời điểm tăng tốc xuất khẩu, yêu cầu Bộ phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo đạt được mục tiêu Chính phủ giao. Thứ trưởng Tiến yêu cầu các giải pháp về văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo đúng tiến độ, tập trung giải quyết khó khăn, tháo gỡ cho phát triển sản xuất. Hạn chế tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết, không thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Bốn chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản và kế hoạch trồng trọt cần tập trung với các giải pháp nâng cao năng lực, giống quyết định năng suất chất lượng, thức ăn dinh dưỡng, quy trình canh tác, phân bón, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến đi theo chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn, đa giá trị. Chỉ có con đường sản xuất theo chuỗi giá trị mới nâng cao được giá trị sản phẩm, gắn với chế biến sâu. Tạo môi trường thuận lợi để huy động nhiều nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân – hệ sinh thái này nhiều năm qua đã khẳng định hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển mạnh thị trường, mở cửa thị trường, đặc biệt thị trường các nước châu Âu.
Trước khó khăn thách thức, chúng ta khẳng định lại các giải pháp đề ra và điều hành phải hết sức linh hoạt thông qua nắm vững thông tin. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị Cục Thú y, Vụ HTQT phối hợp chặt chẽ với Bộ TNMT, Bộ Y tế để làm ATTP theo chuỗi khép kín từ con giống, cây giống.
Trong thời gian tới, thẻ vàng IUU tiếp tục là một điểm nóng và là bài toán cam go, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ TTCP trực tiếp họp và đã đưa ra 02 Kết luận, 01 Quyết định về vấn đề này. Sau các chuyên đề về xử phạt, truy xuất nguồn gốc, quản lý và giám sát tàu cá, ngành thủy sản phải đạt hội nghị chung, các địa phương phải báo cáo tiến độ, đầu tư nguồn lực, nhân lực, trang thiết bị để quyết tâm gỡ thẻ vàng./.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn