+ 84 (0) 932 714 468  |   Agrivivietnam@gmail.com

Blog Post

Việt Nam mong muốn phát triển một Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á

Việt Nam mong muốn phát triển một Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á

Việt Nam mong muốn phát triển một Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á

Sáng 27/4, phiên Bế mạc Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 Hệ thống Lương thực thực phẩm (LTTP) bền vững đã diễn ra tại Hà Nội.

Sau 4 ngày Hội nghị làm việc tích cực, hiệu quả, hơn 300 đại biểu tham dự đã cùng thống nhất đưa ra 5 thông điệp chính.

Thứ nhất, chuyển đổi hệ thống LTTP theo hướng bền vững và có khả năng chống chịu, phục hồi là điều kiện tiên quyết để giải quyết các cuộc khủng hoảng liên quan đến mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, sức khỏe, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, xung đột, cũng như giá tiêu dùng và năng lượng cao.

Thứ hai, chuyển đổi hệ thống LTTP cần được tiếp cận từ toàn cầu. Tuy nhiên, việc lựa chọn con đường, cách thức chuyển đổi hệ thống LTTP cần tính đến bối cảnh cụ thể của từng quốc gia và địa phương trong quốc gia đó.

Thứ ba, cần sử dụng cách tiếp cận bao trùm, đa ngành, đa lĩnh vực và mang tính hệ thống trong chuyển đổi hệ thống LTTP. Chuyển đổi hệ thống LTTP bền vững cần gắn với các yếu tố có liên quan bao gồm biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và thương mại…

Thứ tư, chuyển đổi hệ thống LTTP ở từng quốc gia đòi hỏi phải có đủ quyết tâm chính trị và sự tham gia, phối hợp của tất cả các ngành, lĩnh vực, các bên liên quan từ trung ương tới địa phương, sự phối hợp của các tổ chức quốc tế, khu vực nhà nước và tư nhân. Đồng thời, việc chuyển đổi đòi hỏi phải có sự gắn kết, kết hợp giữa mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, giữa chiến lược dài hạn và các kế hoạch ngắn hạn.

Thứ năm, để chuyển đổi hệ thống LTTP thành công, đòi hỏi phải huy động các nguồn lực bao gồm khoa học công nghệ, tài chính, sự tham gia và đổi mới sáng tạo. Trong đó, về nguồn lực tài chính: chính sách tài chính cho chuyển đổi hệ thống LTTP cần nhất quán và toàn diện ở cấp toàn cầu, quốc gia và địa phương. Các chính sách tài chính cần tiếp cận trên 3 khía cạnh: tạo động lực, thúc đẩy đổi mới và đầu tư.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Các vấn đề liên quan đến hệ thống LTTP đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và bây giờ – chứ không phải lúc nào khác – chính là thời điểm mà chúng ta, với những hiểu biết đầy đủ hơn về những thử thách trước mắt, phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh – ngôi nhà chung của tất cả chúng ta, bảo vệ sự tồn tại của chính chúng ta và của cả các thế hệ mai sau. “Sản xuất và tiêu dùng bền vững” và “Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm” là một trong số các nội dung mà tất cả chúng ta có thể hành động ngay, góp phần thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta luôn có chung Một hành tinh, Một sức khỏe, Một hệ thống lương thực thực phẩm, Một thịnh vượng và không thể tách rời.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam đang hướng tới cách tiếp cận đa ngành, đa mục tiêu. Để triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, Việt Nam rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà tài trợ, đối tác quốc tế, các cơ quan nghiên cứu, khu vực doanh nghiệp, tư nhân và người dân cùng chung tay thực hiện theo các định hướng ưu tiên của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế, như: FAO, UNDP, UNIDO, WWF, One CGIAR, CIAT, IRRI… và các đối tác phát triển khác để triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo để tăng cường giáo dục, truyền thông cho cộng đồng về thói quen ăn uống lành mạnh, cân đối dinh dưỡng, tiêu dùng hợp lý – tránh thất thoát lãng phí thực phẩm và có trách nhiệm; Bên cạnh đó, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong việc tăng hiệu quả trong sản xuất, năng suất, an toàn thực phẩm và phân phối, đồng thời kết nối người sản xuất trực tiếp với người tiêu dùng; giảm thiểu thất thoát và lãng phí lương thực thực phẩm cũng cần được triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Việt Nam mong muốn phát triển một “Trung tâm đổi mới sáng tạo về hệ thống lương thực thực phẩm ở khu vực Đông Nam Á” để mở rộng hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chính sách và thúc đẩy việc nhân rộng các mô hình theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải và bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh: Hệ thống lương thực thực phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong bối cảnh mới nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Related Posts