Bộ trưởng Lê Minh Hoàn làm việc với một số đơn vị về Quy định mới của EU đối với sản phẩm không gây mất rừng
Ngày 29/6, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi làm việc với một số đơn vị về Quy định mới của EU về không gây mất rừng. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Trồng trọt, Cục Kiểm lâm, Cục Lâm nghiệp, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, ngày 16/05/2023, Nghị viện Châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Quy định này được áp dụng. Theo Quy định này, 100% một số sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là cà phê khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh các đơn vị, doanh nghiệp đã chia sẻ các thông tin tổng quan về quy định mới của EU đối với sản phẩm không gây mất rừng, cơ hội và thách thức có thể mang đến cho ngành gỗ, cà phê, cao su Việt Nam, đưa ra các đề xuất về giải pháp hỗ trợ ngành đáp ứng các quy định mới trong thời hạn chuẩn bị 18 – 24 tháng do EU đặt ra.
Đại diện phía Vinafor, Vinacafe, VRG cho biết ngay khi EU ra quy định mới về Chống phá rừng, các doanh nghiệp cũng đã sớm chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tuyên truyền về nội dung EUDR tại các diễn đàn, hội nghị của doanh nghiệp, đồng thời triển khai quyết liệt xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và các chứng chỉ rừng quốc gia và quốc tế (VFCS/PEFC). Các Tổng công ty cho biết họ tự tin có thể đáp ứng được các yêu cầu của EUDR, tuy nhiên nguyện vọng của các Tổng công ty là muốn Bộ NN-PTNT ban hành một bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện áp dụng sản xuất theo quy định EU về EUDR.
Theo Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trần Quang Bảo, Quy định EUDR do EU ban hành nhưng dự kiến các thị trường khác cũng sẽ áp dụng, do thực thi cam kết về ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng tại COP16. Năm nay Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch sửa đổi Thông tư 28 về quản lý rừng bền vững, trong đó sẽ cập nhật quy định mới của EU. Ông Trần Quang Bảo đề xuất các doanh nghiệp lớn chủ động xây dựng bản đồ số hình ảnh vệ tinh vùng nguyên liệu của mình để nếu EU có kiểm chứng ngẫu nhiên cũng có thể đáp ứng yêu cầu. Cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp với Cục Trồng trọt rà soát các quy định, từ đó xây dựng một tài liệu hướng dẫn và sẽ tổ chức triển khai tập huấn không chỉ với các doanh nghiệp lớn mà chủ yếu là người dân trực tiếp sản xuất cà phê, cao su, trồng rừng để họ hiểu rõ hơn về EUDR.
Cục trưởng Cục Kiểm lâm Bùi Chính Nghĩa nhận định, EUDR vừa là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam so với các quốc gia khác bởi chính sách quản lý rừng của Việt Nam hiện nay đang phù hợp với quy định của EU, trước hết ở việc đóng rừng tự nhiên, thứ hai là không cho cải tạo rừng tự nhiên. Điều đó nghĩa là hiện nay không có diện tích rừng tự nhiên nào của chúng ta bị chuyển sang rừng trồng hay canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, để thực thi quy định của EU thì điều quan trọng hiện nay là chúng ta phải chứng minh được sản phẩm các doanh nghiệp nếu mua từ các hộ gia đình, tiểu điền cũng được trồng trên đất không phá rừng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, khi EUDR có hiệu lực từ tháng 12/2024 sẽ tác động trực tiếp đến các tác nhân trong chuỗi cung ứng ngành hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su và cà phê. Các chuỗi cung ứng này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đáp ứng EUDR. Theo Bộ trưởng, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị hướng tới nông nghiệp sinh thái bền vững. Điều đó đang hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của EU. Đây chính là thời điểm để các tập đoàn nhà nước xây dựng lại thương hiệu cho mình, nhất là đối với cà phê. Đây cũng là dịp để các tập đoàn nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến chức năng quản lý của Bộ NN-PTNT với các cơ quan của Bộ gắn kết với nhau, hướng tới chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững. “Các tập đoàn nhà nước cần chuyển từ tư duy mua bán với người nông dân sang tư duy hợp tác, giúp người nông dân nhiều hơn, đưa họ trở thành viên bền vững hơn trong chiến lược phát triển dài hạn của mình. Làm sao để người nông dân tiểu điền, kể cả cao su, cà phê, gỗ gắn bó với mình thật sự, tạo ra một không gian hệ sinh thái”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn