Đoàn viên công đoàn Vụ Pháp chế tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn
Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy sự phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân luôn là một nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước và Bộ quan tâm thực hiện.
Vì vậy, với Vụ Pháp chế – một đơn vị có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, các đoàn viên công đoàn luôn ý thức được rằng: thực hiện tốt công tác “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn” không chỉ là việc thực hiện vai trò của Công đoàn cơ sở trong việc tham gia quản lý nhà nước mà quan trọng hơn chính là nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Vụ được Lãnh đạo Bộ tin giao.
Dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ, công đoàn cấp trên và Chi ủy Vụ Pháp chế, Công đoàn Vụ Pháp chế luôn phối hợp với Lãnh đạo Vụ để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em, tạo môi trường làm việc “gắn kết, chia sẻ” giữa các thành viên trong Vụ, có ý kiến với Lãnh đạo Vụ trong việc bố trí, phân công nhiệm vụ với phương châm “đúng người, đúng việc” để phát huy tối đa năng lực, sở trường của các đoàn viên.
Các đoàn viên công đoàn Vụ Pháp chế rất tự hào vì đã đóng góp một phần sức lực vào quá trình hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, thể hiện ở một số kết quả chủ yếu như sau:
– Về số lượng: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp và phát triển nông thôn tương đối đầy đủ và toàn diện: Tính đến ngày 12/7/2023, có 425 văn bản trong đó có 10 Luật, 67 Nghị định, 01 Nghị quyết của Chính phủ, 46 Quyết định của TTg, 301 Thông tư và các văn bản khác còn hiệu lực thi hành. Hầu hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ đều đã được điều chỉnh bằng Luật. Trung bình một năm, Bộ ban hành theo thẩm quyền khoảng 20 Thông tư; trình Chính phủ ban hành từ 10 -15 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
– Về chất lượng: hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn về cơ bản phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ và thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan, đáp ứng được yêu cầu quản lý của ngành và góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển của ngành trong thời gian qua.
Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung các văn bản để thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành của Bộ đã được đánh giá rất cao: Vào năm 2019, số lượng điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa là 251 điều kiện (chiếm tỷ lệ 72%), trong đó bãi bỏ 115 điều kiện, sửa đổi 136 điều kiện. Tổng số sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được loại bỏ, cắt giảm: 5054 dòng hàng, chiếm tỷ lệ 65%. Tổng số sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý hiện nay chỉ còn: 1768 dòng hàng so với hơn 7000 dòng hàng trước đây.
Mặc dù công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Tuy nhiên, Công đoàn Vụ luôn phát động các phong trào thi đua sáng kiến cải tiến, nâng cao hiệu quả của công tác này, kết quả là nhiều ý tưởng mới, cách làm mới đã được các công đoàn viên của Vụ đưa ra và được Vụ nghiên cứu, áp dụng để tham mưu Ban cán sự, Lãnh đạo Bộ ban hành bằng các văn bản quan trọng, cụ thể như sau:
Một là: Nghị quyết số 40/NQ-BCSĐ ngày 20/6/2023 về nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nghị quyết này nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Bộ và cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, những vấn đề, nội dung lớn, quan trọng phải được xin ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự.
Hai là Quyết định số 2179/QĐ-BNN- PC ngày 02/6/2023 ban hành Quy trình đề xuất, lập Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát nông thôn là Bộ duy nhất ban hành quy trình này. Theo đó, các đơn vị cần phải tiến hành tổng kết, đánh giá kỹ về sự cần thiết trước khi đề xuất đưa vào Kế hoạch việc sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này nhằm khắc phục tình trạng chậm, muộn, xin rút, xin hoãn ban hành văn bản trong các năm vừa qua.
Ba là: Quyết định số 3334/QĐ-BNN-PC ngày 05/9/2022 đã ban hành quy trình xây dựng văn bản của Bộ theo phương thức sơ đồ hóa các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để các công chức dễ dàng tiếp cận, nắm bắt và triển khai thực hiện đúng quy định.
Bốn là: Tham mưu trình Lãnh đạo Bộ ban hành nhiều kế hoạch, công văn để hướng dẫn việc truyền thông, tiếp thị các dự thảo văn bản, chính sách có tác động lớn đến xã hội nhằm tạo đồng thuận của xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật do Bộ xây dựng và ban hành, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, các đoàn viên Công đoàn của Vụ Pháp chế cần cố gắng nhiều hơn nữa để công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có thể đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ, Đảng ủy Bộ và công đoàn cấp trên, Công đoàn Vụ Pháp chế sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình để các đoàn viên Công đoàn Vụ hoàn thành nhiệm vụ tốt được giao.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn