Con đường Tre Việt Nam – Giải pháp bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu và thích ứng với biến đổi khí hậu
Ngày 5/6, tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Thanh Nam có buổi làm việc với Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Làng Tre Phú An, Bình Dương về đề án xây dựng Con đường Tre Việt Nam, phát triển vùng nguyên liệu tre phục vụ ngành nghề nông thôn, đảm bảo phát triển ngành hàng thủ công mỹ nghệ.
Tham dự buổi làm việc có bà Diệp Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Làng Tre Phú An, Bình Dương, thuộc trường Đại học Khoa học tự nhiên Tp.HCM; bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Eco Bamboo Việt Nam. Về phía Bộ NN&PTNT có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Văn phòng điều phối nông thôn mới, Cục Lâm nghiệp, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT.
Làng Tre Phú An được hình thành từ năm 1999, dựa trên ý tưởng khoa học của TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM với sự hợp tác giữa 4 đơn vị là: tỉnh Bình Dương, ĐH Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, vùng Rhône Alpes và Vườn thiên nhiên Pilat – cộng hòa Pháp. Sau khi khánh thành, năm 2008, Đại học Quốc gia TP.HCM đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên (còn gọi là Làng Tre Phú An).
Đây cũng là khu bảo tồn hệ sinh thái tre xanh đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay, tập trung khoảng 1.500 bụi tre với hơn 300 mẫu tre, trúc, nứa… thuộc 17 giống, chiếm gần 90% giống tre ở Việt Nam. Làng Tre Phú An luôn được các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước tuyên truyền, quảng bá về hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, về công dụng của cây tre Việt Nam, về những kết quả nghiên cứu cũng như các hoạt động giáo dục cộng đồng trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Năm 2010, Làng Tre Phú An đã được trao giải thưởng Xích Đạo của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày 14/5/2016, Làng Tre Phú An được công nhận là thành viên của Hiệp hội các Vườn thực vật nói tiếng Pháp trên thế giới. Cá nhân Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm, vì sự nghiệp giáo dục và bảo tồn đa dạng sinh học năm 2009.
Tại buổi làm việc, TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Làng Tre Phú An, Bình Dương), người sáng lập dự án Làng Tre Phú An cho biết, làng tre Phú An cũng là điểm khởi đầu để nhóm thực hiện dự án kết nối xây dựng Con đường tre tại các địa phương như Đồng Tháp, Sơn La, Quảng Bình, Đắc Nông, Ninh Thuận… Việc xây dựng con đường tre là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm tác động của hiệu ứng nhà kính. Bà Hạnh đề xuất với Bộ NN&PTNT hỗ trợ phát triển thêm nhiều con đường tre trên nhiều vùng sinh thái cả nước.
Theo bà, Con đường Tre Việt Nam sẽ giúp tạo cảnh quan, thu hút du lịch sinh thái độc đáo cho Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho người dân. Con đường Tre Việt Nam cũng sẽ tạo những điểm nhấn: vừa bảo tồn tre, vừa là mô hình thích ứng của tre trên nhiều hệ sinh thái, vừa là bức tranh sống diễn tả các nét đẹp độc đáo và đa dạng của các loài tre Việt Nam, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho sản xuất. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng được “bức tường xanh”, mô hình trồng tre tiết kiệm nước cho vùng khô hạn, gia tăng nguồn hữu cơ cho đất, cho thấy kết quả khả quan là cây tre phát triển tốt, giảm xói món, suy thoái đất, ngăn chặn sa mạc hóa.
Về các vấn đề liên quan vùng nguyên liệu và sản xuất tre phục vụ xuất khẩu, Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Eco Bamboo Việt Nam cho biết, theo thống kê, rừng tre hiện nay đang chiếm 10,2% diện tích rừng của cả nước, với tổng diện tích trên 1,4 triệu ha với nhiều loài tre có thể dùng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm dùng trong xây dựng và sản xuất đồ gia dụng, tạo nguồn sinh kế cho hàng triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng nguyên liệu tre của ta còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Nhiều vùng nguyên liệu không được chăm sóc, khai thác đúng tiêu chuẩn dẫn đến thoái hóa, cây còi cọc, sâu bệnh, dến đến chất lượng sản phảm không cao, trong khi chi phí sản xuất cao, giá bán cao không cạnh tranh được với thế giới. Bà Hồng đề xuất Bộ NN&PTNT có chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phục vụ phát triển tre và vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng, từ đó tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Tại buổi làm việc, đại biểu từ các đơn vị trực thuộc Bộ đều bày tỏ sự khâm phục với ý tưởng và sự đóng góp cho phát triển cây tre Việt Nam của TS. Diệp Thị Mỹ Hạnh và bà Nguyễn Thị Diệu Hồng và đưa ra những ý kiến đóng góp cho đề án Con đường Tre cũng như phát triển vùng nguyên liệu tre phục vụ ngành nghề nông thôn.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nhìn ở khía cạnh kinh tế thì cây tre có dư địa phát triển đa giá trị trong nền kinh tế mới, từ măng, tre, đến các tác phẩm nghệ thuật từ tre, du lịch sinh thái từ tre mà nhiều nước đang thực hiện. Ông đánh giá cao y tưởng Con đường Tre Việt Nam của nhóm nghiên cứu dự án. Nếu xét về không gian du lịch và tạo cảnh quan nông thôn thì dự án xây dựng Con đường Tre Việt Nam rất giá trị bởi hiện nay nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng hình ảnh cây tre gần như đã không còn tồn tại vì quá trình đô thị hóa, vì hiệu quả kinh tế khó cạnh tranh được với nhiều loại cây trồng khác.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, tre được trồng làm hàng rào bảo vệ giảm thiểu sạt lở, nhưng lại bị cạnh tranh về diện tích bởi rễ của chúng. Tuy nhiên, theo ông Thanh, trồng tre cần có sự tái canh, không nên khai thác liên tục sẽ dẫn đến cây cằn cỗi không lên mầm. Bên cạnh đó, cần có khảo sát để đánh giá dư địa cho đất trồng tre, chẳng hạn như nên trồng giống nào để bảo vệ đê điều, chắn sóng hay vì mục đích du lịch, đặc biệt là đánh giá dư địa và khả năng cạnh tranh của cây tre với cây trồng khác.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao dự án Làng Tre Phú An của TS. Nguyễn Thị Diệu Hồng với tâm huyết mong muốn đưa cây tre Việt Nam phát triển thích ứng với biến đối khí hậu, giảm phát thải và nâng hiệu quả kinh tế – xã hội, hỗ trợ đời sống cho người dân các vùng.
Thứ trưởng ủng hộ ý tưởng phát triển Con đường Tre Việt Nam của TS. Diệu Hồng, cho rằng đây là đề án rất ý nghĩa không chỉ về mặt giá trị truyền thống, văn hóa mà còn về cả kinh tế và xã hội. Theo Thứ trưởng, đề án cần được các cơ quan chức năng góp ý hoàn thiện thêm như nghiên cứu về đất trồng phù hợp, giống phù hợp, vùng trồng phù hợp. Bên cạnh đó, đề án cần làm rõ hơn hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội khi phát triển cây tre, xây dựng tiêu chí vùng trồng phù hợp, chính sách hỗ trợ người trồng, gắn kết doanh nghiệp với người dân trong việc phát triển cây tre vừa để vừa đảm bảo bảo tồn vừa đạt hiệu quả về kinh tế.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng góp ý nhóm xây dựng đề án nên xem xét chỉnh sửa tên đề án để nêu bật hơn ý nghĩa và vai trò của Con đường Tre đối với các mục tiêu đề ra.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn