FAO Food Outlook 6/2023: Sản lượng lương thực toàn cầu tăng, nhập khẩu giảm
Báo cáo Triển vọng Lương thực (Food Outlook) Toàn cầu mới công bố của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy sản lượng dự báo tăng đối với phần lớn các loại lương thực thiết yếu, nhưng cân bằng cung – cầu bấp bênh.
Nhập khẩu lương thực thế giới năm 2023 dự báo sẽ đạt một mức kỷ lục mới, dù tốc độ tăng trưởng được dự đoán chậm hơn nhiều so với năm ngoái do giá cả tăng đối với các mặt hàng trái cây, rau, đường và sữa khiến nhu cầu sụt giảm, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất về kinh tế.
Báo cáo ước tính thương mại lương thực toàn cầu sẽ đạt 1,98 nghìn tỷ USD vào năm 2023, tăng 1,5% so với năm 2022. Mức tăng tương tự đạt 11% vào năm 2022 và 18% vào năm 2021.
Theo FAO, trong khi nhập khẩu lương thực của các nước tiên tiến tiếp tục tăng, nhập khẩu của nhóm các nước kém phát triển nhất (LDC) được dự đoán sẽ giảm 1,5% trong năm nay và các nước đang phát triển nhập khẩu lương thực ròng (NFIDC) sẽ giảm 4,9%.
Báo cáo định kỳ 6 tháng từ Bộ phận Thị trường và Thương mại của FAO cảnh báo, sự sụt giảm về nhập khẩu lương thực là một diễn biến đáng lo ngại ở cả hai nhóm nước. Những lo ngại này còn trầm trọng hơn khi thực tế là giá quốc tế thấp hơn giá trong nước đối với một số mặt hàng lương thực, cho thấy áp lực chi phí sinh hoạt có thể vẫn xảy ra trong năm 2023.
Báo cáo Triển vọng Lương thực Toàn cầu mới có một chương đặc biệt đánh giá những thay đổi gần đây về thành phần thực phẩm trong chỉ số giá tiêu dùng của nhóm các nước NFIDC và tác động của các biến động tiền tệ, đặc biệt là đô la Mỹ mà hầu hết giao dịch nông sản bằng đồng tiền này, đối với lạm phát giá lương thực ở những quốc gia trên thế giới.
Trong khi sự mất giá của đồng đô la Mỹ trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 đã giúp các nhà nhập khẩu lương thực bù đắp cho việc tăng giá lương thực, tác động ngược lại đã rõ rệt trong những năm gần đây.
Nhà kinh tế cao cấp của FAO cho biết điều đó nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp can thiệp phù hợp để chống lạm phát. Mặt khác, ông còn cảnh báo “giá lương thực tăng cao có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và gia tăng các thách thức tài chính, làm suy yếu các nỗ lực chống đói nghèo và mất an ninh lương thực cũng như xóa sạch mọi tiến bộ đã đạt được cho đến nay”.