Ngân hàng thế giới sẽ chi trả 41,2 triệu USD cho Chương trình giảm thải carbon trong nông nghiệp tại Việt Nam
Chiều ngày 10/7, tại trụ sở cơ quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) do bà Anna Wellenstein – Giám đốc phát triển bền vững vùng Đông Á – Thái Bình Dương làm trưởng đoàn. Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và WB đã trao đổi, thảo luận về nội dung của các dự án then chốt, hợp tác giữa hai bên hiện nay như: Dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập và quan hệ đối tác chiến lược tiếp theo trong chương trình Hợp tác ngành nước (VWE); Dự án Chuyển đổi tổng hợp và Thích ứng với Biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (MERIT); Chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao và carbon thấp; Chương trình giảm phát thải rừng khu vực Bắc Trung bộ (ERPA); Dự án Phát triển thủy sản bền vững và Chương trình tiếp cận nhiều giai đoạn về khả năng phục hồi ven biển giai đoạn 1. Hai bên đã bàn thảo về cách tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án và định hướng khả năng mở rộng thêm trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, bà Anna Wellenstein đã chia sẻ tin vui với Bộ NN-PTNT rằng hiện WB đã sẵn sàng giải ngân khoản tiền trị giá 41,2 triệu USD cho Chương trình giảm thải cacbon trong nông nghiệp tại Việt Nam, đánh dấu số tiền lớn nhất được giải ngân theo Quỹ Carbon của WB. Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ niềm vui với thông tin bà Anna Wellenstein đưa ra, cho rằng điều này sẽ tạo ra sự kích thích lớn cho các địa phương để tham gia vào phát triển rừng bền vững cũng như thích ứng với quy định mới của EU về chống xâm chiếm đất rừng, truy xuất nguồn gốc các nông sản từ rừng, hướng tới một phúc lợi về rừng.
Liên quan đến sự kiện này, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết khoản tiền trên sẽ được dùng để chi trả trực tiếp cho những chủ rừng và ban quản lý rừng, người dân và cộng đồng trực tiếp tham gia vào trồng rừng tự nhiên tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ. Bộ NN-PTNT đã trực tiếp giao Cục Lâm nghiệp và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, chuẩn bị tất cả điều kiện kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ phía WB. Ông hy vọng, với kết quả thí điểm ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ, trong thời tới dự án sẽ được nhân rộng ra nhiều vùng khác để có thể thể chế hóa chính sách chung và triển khai cho thị trường về chuyển nhượng, trao đổi carbon quốc tế.
Đối với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận hỗ trợ tư vấn từ phía WB, đồng thời đề xuất tổ chức một cuộc đối thoại với WB để triển khai hoạt động truyền thông, thu hút sự quan tâm của các bộ ngành, doanh nghiệp và người nông dân.
Về Dự án Phát triển thủy sản bền vững, Bộ NN-PTNT coi dự án này thuộc nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ và ngành Thủy sản nhằm tháo gỡ thẻ vàng của EC. Từ đó đảm bảo ổn định đời sống, phát triển kinh tế của gần 800 nghìn ngư dân trên biển và hơn 4 triệu lao động của ngành khai thác thủy sản.
Trao đổi về Dự án Sửa chữa và nâng cao An toàn Đập và quan hệ đối tác chiến lược tiếp theo trong chương trình Hợp tác ngành nước (VWE), bà Anna Wellenstein cho rằng, Bộ NN-PTNT có vai trò trung tâm trong việc triển khai các mục tiêu trong Kế hoạch hành động của Chính phủ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận những hỗ trợ của WB đối với Việt Nam và với hợp tác hai bên đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Trong giai đoạn tới, Bộ sẵn sàng tiếp tục với WB và các bộ, ngành để phối hợp chặt chẽ với các tỉnh nhằm xây dựng cơ chế điều phối liên ngành phục vụ công tác thực hiện hiệu quả Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập hồ chứa nước.
Ngoài ra, trao đổi về Dự án Nâng cao năng lực ứng phó thiên tai vùng ven biển Việt Nam (WB10), phía WB cam kết hỗ trợ thực hiện chương trình, mong muốn Bộ có kế hoạch để sớm thức đẩy việc đề xuất giai đoạn 1 dự án này kịp thời.
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, bên cạnh những thành công bước đầu vẫn còn tồn tại một số vướng mắc trong việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương, dẫn đến một số dự án tiến độ còn chậm. Bộ NN-PTNT cam kết báo cáo, cập nhật đầy đủ với WB trong các chương trình tiếp theo, với mong muốn tiếp cận hiệu quả nguồn vốn ODA từ WB
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn