Thị trường nông lâm thủy sản 6 tháng cuối năm tiếp tục là điểm sáng của rau quả, gạo và cà phê
Đó là nhận định của Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại cuộc họp Sơ kết 6 tháng của Ban chỉ đạo Phát triển thị trường chiều ngày 19/7 tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Trần Thanh Nam, lãnh đạo các đơn vị thành viên BCĐ, lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Văn phòng SPS Việt Nam,…
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, ngay từ đầu năm 2023, BCĐ đã nhận diện được những khó khăn thách thức để kịp thời có những chỉ đạo khắc phục đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai 3 nhóm giải pháp là: Đàm phán, mở cửa thị trường; Cập nhật, phổ biến quy định, nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng và Kết nối giao thương, phát triển thị trường xuất khẩu. Kết quả xuất khẩu 6 tháng với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh suy giảm xuất khẩu nhóm hàng lâm sản, thủy sản ở mức tương ứng 28,2% và 27,4% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu gạo, rau quả, điều, cà phê tăng tương ứng là 34,7%, 64,2%, 7,7%, 3%, trong đó xuất khẩu gạo và rau quả tăng đột biến.
Trong số các thị trường trọng điểm và tiềm năng, Trung Quốc đứng số 1 với kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm của 4/9 mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả (1,2 tỷ USD, tăng 80,2%), gạo (364 triệu USD, tăng 79,2%), hạt điều (198,8 triệu USD, tăng 50,9%) và chè (4,2 triệu USD, tăng 58,7%). Việc Trung Quốc mở cửa sau đại dịch từ ngày 8/1, nhu cầu trong nước phục hồi, triển khai nhiều chính sách kinh tế nhằm tăng cường an ninh lương thực. Theo WB, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi lên mức 5,6% trong năm 2023. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ.
Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có mặt hàng cà phê tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm, đạt 145,2 triệu USD, tăng 16%, còn lại 9 mặt hàng đều giảm. Theo WB, tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ dự báo yếu đi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 do việc thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 1,1% vào năm 2023.
Đứng thứ 3 là thị trường Nhật Bản, với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả 3 mặt hàng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường này đều giảm giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm gồm gỗ (677 triệu USD, giảm 0,2%), thủy sản (580,2 triệu USD, giảm 9,2%) và cà phê (128,5 triệu USD, giảm 3%). Theo WB, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Nhật Bản dự báo chậm lại do thắt chặt chính sách tiền tệ, ước đạt 0,8% vào năm 2023.
Về xu hướng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực trong 6 tháng cuối năm, dự báo mặt hàng rau quả duy trì tăng trưởng tốt nếu chú trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Xuất khẩu gạo có khả năng đạt tương đương mức năm ngoái là 6,5 triệu tấn. Thị trường tiêu thụ thủy sản có thể phục hồi chậm, ngành hàng gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục khó khăn do lạm phát và nhu cầu thấp.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhận định thị trường nông lâm thủy sản 6 tháng cuối năm tiếp tục khó khăn. Bộ vẫn định hướng tập trung vào ba thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản, ngoài ra các thị trường khác tiếp tục tìm giải pháp để mở rộng thêm. Mặc dù thị trường Nhật Bản từ đầu năm đến nay có giảm, tuy nhiên với những chính sách khuyến khích tiêu dùng của người Nhật thì thị trường Nhật Bản vẫn đang có triển vọng tốt. Thứ trưởng đề nghị Cục BVTV, Cục Thú Y chuẩn bị nội dung tiếp tục bàn bạc tháo gỡ, mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản trên cơ sở chuyến đi của Thủ tướng vừa qua.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: Trong bối cảnh tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm, chúng ta phải tìm tín hiệu tích cực để phát triển thị trường. Đề nghị các Hiệp hội ngành hàng giữ kết nối chặt chẽ với Bộ, có tư duy ‘đi cùng nhau’, Bộ không làm thay Hiệp hội được và ngược lại. Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, ngành nông nghiệp vẫn đón tin vui từ xuất khẩu gạo, cà phê và rau quả 6 tháng đầu năm. Ngành hàng gỗ, thủy sản còn nhiều trở ngại và ngành chăn nuôi chưa bứt phá, ngành nào đang có lợi thế tiếp tục củng cố và phát triển vì một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Bộ đã xây dựng đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giảm phát thải tại ĐBSCL, đề án logistics, đây sẽ là xương sống cho phát triển thị trường và các doanh nghiệp cũng cần tham gia cùng với Bộ và các địa phương, trước hết là chia sẻ thông tin, tiếp đến là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, thúc đẩy tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị BCĐ Phát triển thị trường bổ sung các đơn vị logistics làm thành viên trong các cuộc họp tiếp theo./.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn