Hải Dương: Thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp
Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, tạo động lực thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Dương, Hải Dương đã lựa chọn con đường phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, gọi tắt là Xanh – Số. Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển của tỉnh.
Sau 2 năm thực hiện thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Hải Dương tăng 5 bậc so với trước khi thực hiện Đề án, tiếp tục duy trì vị trí thứ 14 cả nước về chuyển đổi số (theo báo cáo Chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021).
Trong đó, thứ hạng so với cả nước về nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số của tỉnh lần lượt là 22, 10, 10, 37. Xếp hạng về an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số lần lượt là 38, 8, 20, 9. Về 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thứ hạng của tỉnh so với cả nước lần lượt là 13, 18, 18.
Chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên, kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, địa lý… Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng, nhờ ứng dụng chuyển đổi số, tỉnh Hải Dương đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các nền tảng số như báo chí điện tử, các mạng xã hội như facebook, zalo…đã giúp cho nông sản tiêu thụ khá dễ dàng và vẫn giữ được giá, đồng thời vẫn bảo đảm được an toàn với dịch bệnh. Cũng trong năm 2021, nhờ có chuyển đổi số quả vải thiều đặc sản của Hải Dương đã được tiêu thụ dễ dàng được mùa, được giá trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, được thị trường trong nước và quốc tế tiếp nhận, đánh giá cao, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, còn xuất khẩu khoảng 2.000 tấn đi các thị trường mới như Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore….
Tỉnh đã xây dựng được hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nưới tự động từ xa; một số diện tích thủy sản có hệ thống quan trắc, cho ăn, điều chỉnh tự động kết nối điện thoại thông minh…
Đến nay, gần 600 sản phẩm nông sản của Hải Dương đã được bán trên các sàn thương mại điện tử, hơn 108.000 hộ sản xuất trong tỉnh đã có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, 117.000 hộ được đào tạo kỹ năng số việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương đang dần trở thành phương thức tiêu thụ chủ yếu của các chủ thể, người dân tại các vùng sản xuất hàng hoá như vùng trồng cam ở phường Thất Hùng, Kinh Môn, bột sắn dây Thành Nhàn, vải thiều Thanh Hà, hành tỏi, cà rốt…
Hiện nay, các hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Hải Dương chủ yếu tham gia giao dịch trên 2 sàn thương mại điện tử là sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel./