Tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại ĐBSCL đến năm 2025
Mới đây, ngày 7/7/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 816/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quy hoạch đã đề ra.
Trong đó, đến 2025, tập trung phát triển 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp tại khu vực có điều kiện thuận lợi về hạ tầng và nguồn nước bao gồm: Trung tâm đầu mối tổng hợp ở TP.Cần Thơ gắn với phát triển dịch vụ logistic ở Hậu Giang, để bổ trợ cho TP.Cần Thơ thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng; xây dựng 7 trung tâm đầu mối có chức năng thu gom, phân loại, chế biến nông sản. Cụ thể là 2 trung tâm đầu mối ở An Giang, Đồng Tháp gắn với vùng sinh thái nước ngọt; 3 trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với thủy sản; 2 trung tâm đầu mối ở Tiền Giang, Bến Tre gắn với trái cây, rau màu.
Giai đoạn đến 2030, hoàn thiện xây dựng hệ thống các trung tâm đầu mối đã được xác định trong quy hoạch vùng, gắn với tiến trình đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đồng thời, quy hoạch và phát triển các thị trấn nông – công nghiệp gắn với trung tâm đầu mối về nông nghiệp và tăng cường liên kết với hệ thống đô thị, có vai trò trung tâm của vùng, tiểu vùng, nhằm thúc đẩy việc đào tạo, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đẩy mạnh thương mại, dịch vụ logistic, kết nối thị trường các sản phẩm nông sản.
Xây dựng và phát triển hiệu quả vùng nguyên liệu chủ lực, tập trung gắn với quá trình tích tụ đất đai đảm bảo phục vụ lâu dài, bền vững cho các cơ sở chế biến nông nghiệp – thủy sản của vùng. Bên cạnh đó, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung tạo thuận lợi cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ giúp giảm tối đa chi phí sản xuất, vật tư nông nghiệp và từng bước bớt dần lao động trong nông nghiệp. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng nguyên liệu với lộ trình phát triển những trung tâm đầu mối về nông nghiệp và đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản vùng ĐBSCL. Cụ thể, xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vùng ĐBSCL, Chương trình thí điểm các mô hình nông nghiệp thông minh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Chương trình ứng dụng blockchain vào nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Triển khai đồng bộ, đầy đủ hoạt động thẩm định, chứng nhận, hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản; chuyển đổi số trong lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm…
Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai Chương trình phát triển thương hiệu du lịch ĐBSCL với tầm cỡ quốc tế trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái và du lịch biển. Đồng thời, cần phát triển du lịch kết hợp với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn các giá trị văn hóa – lịch sử của vùng. Ngoài ra, Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc xây dựng và triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển các hành lang đa dạng sinh học liên tỉnh vùng ĐBSCL, đặc biệt là việc bảo vệ và phát triển các vùng đất ngập nước quan trọng và khu vực có đa dạng sinh học cao.
Mục tiêu cuối cùng của Kế hoạch là xây dựng và ban hành Chiến lược quản lý rủi ro lũ, ngập lụt vùng ĐBSCL đến năm 2100. Chiến lược này sẽ xác định các định hướng và giải pháp căn cơ, dài hạn để đối phó với các vấn đề như sụt lún, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Trong chiến lược này, sẽ xác định mức độ phòng, chống ngập và cấp độ bảo vệ cho các khu vực khác nhau trên phạm vi toàn vùng ĐBSCL.
Trong thời gian tới, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ĐBSCL sẽ được triển khai một cách nghiêm túc và đồng bộ. Các cơ quan chức năng và các địa phương trong vùng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch này, đồng thời sẽ có sự hỗ trợ và quản lý từ phía chính quyền trung ương.
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn